Virtual Reality (VR) - Cuộc chạy đua giữa các “đại gia” công nghệ

VR (Virtual reality) là gì, giá trị ra sao, tại sao các “ông lớn” lại đang chạy đua

VR (Virtual Reality) - Thực tế ảo là thuật ngữ mô tả môi trường mô phỏng bằng máy tính, và cho phép người sử dụng tương tác với các sự vật, hiện tượng trong môi trường đó theo thời gian thực và qua các kênh cảm giác.

Có thể tưởng tượng, VR giống như cánh cửa thần của Doremon, hoặc chiếc kính trong các phim viễn tưởng, chỉ cần mở ra hoặc đeo vào là có thể thấy một cảnh tượng giống như thật, và có thể thả sức đắm chìm trong đó.

Thực tế ảo có thể coi là một công nghệ của tương lai, một thị trường màu mỡ với doanh thu ước tính khoảng 30 tỷ đô vào năm 2020. Chính vì vậy, các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ đều đang ráo riết chạy đua quyết liệt.

Về phần cứng
VR Headset
Phần cứng phải kể đến đầu tiên trong lĩnh vực VR là kính thực tế ảo (VR Headset) mà rất nhiều hãng công nghệ lớn đang theo đuổi.

Tháng 3 năm 2014, Facebook đã tuyên bố mua lại Oculus với giá 2 tỷ USD.  Đây có thể coi là bước ngoặt lớn, đánh dấu cho sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AR.

Hiện tại, Facebook và Oculus đang tập trung để có thể tung ra phiên bản Oculus Rift hoàn thiện cho người tiêu dùng vào nửa đầu năm 2016.

Tháng 11 năm 2015, SamSung đã tung ra Gear VR phiên bản thương mại hóa,  và ngay trong ngày đầu tiên ra mắt đã bán hết sạch trên cả Amazon và Ebay dù Gear VR chỉ tương thích với một số dòng điện thoại mới nhất của SamSung.

Mới đây nhất, HTC cũng ghi trên Blog chính thức của mình rằng sẽ ra mắt kính thực tế ảo Vive phiên bản cho người tiêu dùng vào khoảng tháng 4 năm 2016.

Ông lớn Google cũng không nằm ngoài cuộc đua này, khi ngay từ sớm đã cho ra mắt Google Cardboard giá rẻ.

Để cạnh tranh với Google Cardboard, Microsoft cũng đã tiết lộ về VR Kit – kính thực tế ảo làm từ bìa cứng của mình.

Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất phần cứng nổi tiếng như Canon, LG…cũng cho sẽ cho ra đời các loại kính thực tế ảo của riêng mình.

Hình ảnh một số kính thực tế ảo

Camera 360 độ

Sau khi Google tuyên bố không lâu về việc ra mắt Youtube 360 độ, cho phép đăng tải, xem và tương tác với video 360 độ, thì Facebook cũng thông báo hỗ trợ video 360 độ.

Video 360 độ chính là nguyên liệu làm nội dung cho các thiết bị tiếp cận người dùng thực tế ảo VR. Video 360 độ được quay từ các camera 360 độ như 360cam, Kodak SP360 hoặc Recoh Theta.

Cùng với các dòng máy quay 360 độ đã có sẵn trên thị trường, gần đây các hãng sản xuất danh tiếng đã cho ra đời các loại máy quay 360 độ cao cấp.

Sau khi kết hợp với Google trong dự án Jump, GoPro đã cho ra mắt chính thức máy quay 360 độ Odyssey của riêng mình. Odyssey tích hợp 16 camera và có giá tương đối đắt lên tới 15.000 USD.

Nokia sau khi bán mảng điện thoại cho Microsoft, hiện tại cũng đang hướng tới lĩnh vực VR, và gần đây đã công bố sẽ cho ra mắt máy quay 360 độ mang tên OZO. OZO có hình cầu, và tích hợp vô số camera trên mình.

Một loại máy quay 360 độ nữa đang thu hút được nhiều nhà đầu tư trên KickStarter đó là Sphericam 2. Sphericam 2 có thiết kế nhỏ gọn với đường kính 6.8 cm, trọng lượng chưa tới 400 gam, độ phân giải 4K.    

Hình ảnh một số Camera 360 độ
         

Về phần mềm, trải nghiệm

Từ trước đến nay, một khi nhắc tới phần cứng là phải nói đi đôi cùng với phần mềm. Nhưng với VR, hai chữ “phần mềm” dường như bị lu mờ bởi một thuật ngữ hoàn toàn mới lạ mang tên “Trải nghiệm” (Experience).

Trải nghiệm đầu tiên phải kể đến trong thế giới VR là Game. Các nhà sản xuất Game đang đua nhau nâng cấp các game ăn khách hiện có thành phiên bản cho VR như Play Station của Sony.... Ngoài ra, rất nhiều game mới giành riêng cho thiết bị VR cũng đã đang và sẽ được tung ra trong thời gian tới, nhất là vào đầu năm 2016 khi Oculus Rift, HTC Vive phiên bản thương mại được tung ra.

Trải nghiệm thứ 2 là phim ảnh. Một loạt các bộ phim nổi tiếng như WarCraft, Star War…bản VR đã được thực hiện. Bên cạnh đó, rất nhiều hãng phim cũng sẽ cho ra mắt một loạt các phim giành riêng cho thiết bị này.

Các hãng sản xuất phim 18+ cũng không nằm ngoài cuộc, đặc biệt sau khi Oculus nói rằng đây là một nền tảng mở và họ không có ý định kiểm soát các phần mềm và nội dung được trình chiếu trên thiết bị này.

Trải nghiệm tiếp phải kể đến là các nội dung 360 độ. Youtube và Facebook đã cho phép đăng tải và thưởng thức các video 360 độ. Tiếp đến Yahoo cũng cho ra đời Flick 360 độ, cho phép xem hàng triệu các bức ảnh 360 độ.

Ngoài ra, các trải nghiệm trong lĩnh vực y tế, thiết kế, công nghiệp, vũ trụ, đào tạo…cũng đang được các hãng thử nghiệm và sớm đưa vào thực tế.

Các dự án VR lớn
Đầu tiên phải nhắc tới thương vụ Facebook mua lại Oculus như đã đề cập bên trên. Đây có thể được xem là dự án lớn của Facebook trong lĩnh vực VR với khoản đầu tư không hề nhỏ.

Tiếp đó là Google với Magic Leap. Google đã đầu tư 542 triệu đô vào Magic Leap Inc., - một hãng công nghệ thực tế ảo. Với dự án này, người xem kỳ vọng sẽ có những trải nghiệm vô cùng khác lạ khi thế giới ảo có thể hiển thị ngay trong không gian trước mắt. Hãy tưởng tượng như bạn có thể dán một chiếc Tivi lên tường, có thể thấy súng bắn xuyên tường nhà mình.

Giống như Magic Leap của Google, Hololens của Microsoft cũng hướng đến việc mang thế giới ảo đến cùng với thế giới thực tại, thay vì hóa thân vào một nhân vật trong thế giới ảo.

Và cũng không thể không kể đến việc Apple cũng bí mật tham gia vào thực tế ảo. Apple đã mua lại Metaio – một công ty chuyên về ứng dụng thực tại ảo tăng cường, và Faceshift – một công ty phần mềm chuyên về thực tế ảo, người đứng sau các hình ảnh ngoạn mục trong Star Wars.

Kết quả của các dự án lớn này vẫn chưa thể biết được, và người dùng đang kỳ vọng trong thời gian ngắn tới có thể trải nghiệm thành quả công nghệ làm thay đổi hoàn toàn cách xem, cách nhìn từ trước tới nay.

Thế giới công nghệ sẽ có bước tiến lớn
Không biết Facebook, Google, Microsoft hay Apple sẽ làm lên chuyện và chiếm được thị trường trong lĩnh vực thực tế ảo. Nhưng có thể nói thế giới công nghệ sẽ có những bước tiến vượt bậc, mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho con người.
Len dau trang
Lên đầu trang